Song song với việc cải thiện môi trường pháp lý, công tác quản lý Nhà nước đối với đất đai và bất động sản ở nước ta phải được đổi mới căn bản. Sự đổi mới thể hiện ở một số nội dung sau đây:

1.        Đổi mới công tác quy hoạch. Giải pháp quan trọng hàng đầu là phải đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất và hiệu lực pháp lý của các loại văn bản quy hoạch liên quan đến đất đai. Muốn vậy, Nhà nước phải có quy định rõ ràng về tính pháp lý của các loại quy hoạch và định rõ một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm về tính thống nhất trong hệ thống các văn bản quy hoạch. Nội dung quy hoạch phải được cải tiến theo hướng vừa tạo đủ điều kiện cho việc tăng cường quản lý đầu tư và phát triển các đô thị vừa đáp ứng được nhu cầu về đầu tư kinh doanh bất động sản ngày càng tăng ở các đô thị. Cần nâng cao sự tham gia của người dân và các chủ thể có liên quan vào việc xây dựng, thẩm định và điều chỉnh quy hoạch, đồng thời cần công khai hóa những thông tin cần thiết về quy hoạch cho các chủ thể có liên quan cũng như cho các đối tượng tham gia giao dịch trên thị trường.

2.        Đổi mới thủ tục hành chính trong quản lý đất đai và bất động sản. Thủ tục hành chính phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân và phải thuận tiện cho dân, vì vậy, nó cần phải đơn giản, hợp lý và dễ thực hiện. Để được như vậy, cần rà soát lại các nội dung quản lý, những điểm nào không cần thiết thì loại bỏ. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai và bất động sản có liên quan chặt chẽ đến thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản, cấp phép xây dựng… do vậy cần phải cải tiến đồng bộ thủ tục hành chính trong các lĩnh vực này.

3.        Công tác quản lý Nhà nước đối với thị trường bất động sản còn nhiều yếu kém, thể hiện ở chỗ quyền lực và trách nhiệm của các cấp quản lý chưa rõ, hiệu lực và hiệu quả chưa cao, do đó không thể phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về đất đai và bất động sản. Vì vậy, cần sớm đổi mới tổ chức bộ máy quản lý đất đai và bất động sản, có phân công, phân cấp rõ ràng; bộ máy tinh gọn, hoạt động thực sự có hiệu quả và hiệu lực. Các cán bộ làm việc phải đảm bảo chất chính trị, đạo đức và có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, đáp ứng tình hình, nhiệm vụ mới. Với mục đích trên, việc tổ chức bộ máy cần điều chỉnh theo ba hướng:

  • Phân định lại thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương (Chính phủ và UBND cấp tỉnh, trong đó chính phủ nên làm những việc mang tính vĩ mô, định hướng như quy hoạch, kế hoạch, ban hành các nội dung quản lý Nhà nước… còn những việc cụ thể nên giao cho địa phương thực hiện).
  • Phân định lại thẩm quyền giữa các ngành liên quan đến quản lý sử dụng đất đai và bất động sản (ngành địa chính, xây dựng, nhà đất, kiến trúc sư trưởng, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, v.v…)
  • Cải cách trong bộ máy từng cơ quan để nâng cao năng lực điều hành, hiệu quả hoạt động và trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận.